Vững vàng và trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc phải là giá trị cốt lõi nhất trong các phẩm chất cần có của sinh viên khi hội nhập

22/02/2017 08:00     1680
Tiêu chí này được sự tán đồng của tất cả những đại biểu tham dự tọa đàm chuyên gia “Định hướng giá trị và phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do đại học Thủ Dầu Một tổ chức vào ngày 14/2/2017.
 
Đúng với tính chất một tọa đàm chuyên gia, khách mời của chương trình là những nhà giáo dục, nhà quản lý, những doanh nhân có kiến thức và vốn sống sâu rộng, cùng có mối quan tâm đặc biệt đến việc hình thành những giá trị và phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên trong thời đại hội nhập. Thông qua những chia sẻ của ba diễn giả: PGS.TS Lê Quang Minh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản trị đại học, ĐHQG Tp.HCM, TS.Hồ Đắc Túc – Nguyên trưởng dự án Đại học Việt Nam do Ngân hàng thế giới tài trợ, chị Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng sáng lập tập đoàn bán lẻ và nhượng quyền châu Á, tọa đàm đã trở thành một diễn đàn mở với nhiều ý kiến trao đổi sâu sắc, làm sáng rõ những triết lý giáo dục mà Đại học Thủ Dầu Một phải xây dựng để lan tỏa những phẩm chất giá trị đến sinh viên.
 
Những phẩm chất cần có của một công dân toàn cầu

Vấn đề đầu tiên được đưa ra tại tọa đàm là những phẩm chất cần có của một công dân toàn cầu. Theo các diễn giả, phải hiểu đúng khái niệm công dân toàn cầu. Đó không phải là mẫu hình lý tưởng mà là một xu hướng phát triển của thời đại. Khi đó, con người dù ở bất cứ quốc gia nào cũng sẽ có cơ hội và nghĩa vụ cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu dựa trên các công cụ kết nối hiện đại. Sự minh chứng cho một công dân toàn cầu không phải là cuốn hộ chiếu đầy dấu của các quốc gia mà là sự trải nghiệm các giá trị nhân văn mà quốc tế hướng đến. Vì vậy, không nên e ngại khái niệm “công dân toàn cầu”,  sinh viên chỉ cần định vị lại bản thân mình để thấy được sự rộng lớn của thế giới, từ đó sẵn sàng hòa nhập và trải nghiệm.
 
Cả ba diễn giả đều khẳng định, vững vàng và trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất trong các phẩm chất cần có khi hội nhập. Bên cạnh đó, sinh viên phải rèn luyện cho mình tư duy mở; khả năng tự học hỏi qua việc đọc sách và tái đầu tư cho bản thân; sự nhạy cảm văn hóa và tôn trọng khác biệt; và cuối cùng là sống tử tế. Theo chị Nguyễn Phi Vân, “tử tế” được xem là thứ ngôn ngữ hay “đạo vũ trụ”, vì nó không có biên giới, nó chạm đến trái tim của bất cứ ai trên bất kỳ vùng đất nào.
 
Trách nhiệm của giáo dục đại học trong việc hình thành giá trị, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên

Nhắc đến vai trò của giáo dục đại học và trách nhiệm trong việc hình thành giá trị và phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên, PGS.TS Lê Quang Minh cho rằng, “giáo dục là làm cho một cái đầu rỗng thành một cái đầu mở”. Theo TS. Hồ Đắc Túc, đại học không chỉ là nơi đào tạo sinh viên ra trường kiếm được việc làm mà phải là môi trường giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình, điều này quan trọng hơn rất nhiều. Mỗi sinh viên có tiềm năng khác nhau, nhiệm vụ của trường đại học là tạo điều kiện và thúc đẩy sinh viên bộc lộ cũng như phát triển tiềm năng của mình. Không thể đào tạo con người một cách phiến diện chỉ thiên về làm việc, TS. Túc lo ngại nếu đi theo hướng đó thì chỉ vài chục năm nữa, robot đã có thể thay thế con người. Vì vậy, cần đào tạo một cá nhân phát triển toàn diện, trong đó năng lực tự thích nghi, tự kiến tạo những giá trị chân - thiện - mỹ cho bản thân và xã hội là rất quan trọng. Bàn về một biện pháp thức tức thời để làm được điều đó trong tình hình giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay, TS. Túc đề xuất xen vào chương trình đào tạo những môn học/tiết học về các giá trị nhân đạo, nhân văn để xây dựng một con người toàn diện.
 
Còn theo PGS.TS Lê Quang Minh, đại học đào tạo con người đạt được 3 chữ H: Head (cái đầu = kiến thức), Heart (trái tim = thái độ, phẩm giá), Hand (đôi tay = kỹ năng). Để kiến tạo giá trị cho xã hội, phải có đủ 3 yếu tố này. Tọa đàm này bàn về chữ H thứ hai - Heart, là thái độ, phẩm giá của sinh viên - công dân cần có trong thời đại toàn cầu. Một trong những giá trị cốt lõi sinh viên cần hướng đến là “chấp nhận sự khác biệt”. Khác biệt là cần thiết để xây dựng và quảng bá giá trị cá nhân của mình, coi sự khác biệt là một điểm mạnh. Sự khác biệt của cá nhân thể hiện rõ nét nhất ở giá trị đạo đức, nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, văn hóa dân tộc được xem là giá trị phổ quát cần được bồi đắp trước tiên khi muốn đào tạo sinh viên thành công dân toàn cầu…
 
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trên thương trường, chị Phi Vân nhận thấy, hiện nay các doanh nghiệp lớn đều có chương trình tái đào tạo trong khoảng từ 3 - 6 tháng cho sinh viên mới ra trường để có thể hòa nhập được vào môi trường làm việc. Vì vậy, cách nhanh nhất là các trường đại học tìm điểm giao nhau với doanh nghiệp ngay trong chính chương trình tái đào tạo đó. Nếu sinh viên được trang bị đúng những điều doanh nghiệp cần, mà không khiến doanh nghiệp mất thời gian đào tạo lại, cộng với những phẩm chất tốt đẹp thì bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đón nhận nguồn nhân lực của trường.
 
Định hình giá trị, phẩm chất cho sinh viên Đại học Thủ Dầu Một

Buổi tọa đàm đã dành thời lượng lớn để chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của sinh viên Đại học Thủ Dầu Một bộc lộ trong quá trình học tập, thực tập và làm việc. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, của thầy cô trực tiếp quản lý và giảng dạy, hầu hết sinh viên Đại học Thủ Dầu Một sau khi ra trường có thế mạnh về kiến thức chuyên môn, năng lực thích nghi nhanh chóng với môi trường làm việc; nhưng đồng thời, cũng có những trường hợp thiếu sự trải nghiệm thực tế, năng lực tự học và tính sáng tạo chưa cao,… đó cũng chính là những hạn chế chung của phần lớn sinh viên Việt Nam hiện nay. Sau những ý kiến trao đổi thẳng thắn, các diễn giả và đại biểu tham dự đã cùng xây dựng hệ giá trị mà sinh viên Đại học Thủ Dầu Một cần hướng đến để hội nhập là: Biết tự học; Tôn trọng sự khác biệt; Cởi mở, linh hoạt với cuộc sống; Có sự tử tế; Vững chắc nền tảng văn hóa gốc. 

“Những năm qua, chương trình đào tạo của trường ĐH Thủ Dầu Một được bổ sung, cập nhật theo hướng đáp ứng thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong việc đổi mới chương trình đào tạo, trường đặc biệt coi trọng vấn đề cung cấp tri thức cơ bản, tư duy biện luận, tư duy sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xã hội, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Qua buổi tọa đàm giúp nhà trường tìm kiếm ý tưởng để xây dựng những quan điểm và triết lý giáo dục hiện đại phục vụ mục tiêu phát triển của trường; xác định chuẩn đầu ra chung cho tất cả các ngành đào tạo về các “giá trị và phẩm chất nghề nghiệp” mà sinh viên cần đạt được. Theo đó, những giá trị cốt lõi trường hướng đến nhằm giáo dục giá trị và hình thành các phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên là: Biết tự học, tôn trọng sự khác biệt, cởi mở, linh hoạt với cuộc sống, sự tử tế của con người, vững chắc nền tảng văn hóa gốc”.
(PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một)

Tọa đàm “Định hướng giá trị và phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một trong bối cảnh hội nhập quốc tế” kết thúc tốt đẹp và đủ thuyết phục để làm cơ sở cho những tọa đàm chuyên sâu tiếp theo. Phát biểu tổng kết, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển chất lượng đại học - đơn vị thực hiện chuỗi tọa đàm chuyên gia, tin tưởng tọa đàm sẽ là một diễn đàn đầy tính trách nhiệm và mang giá trị thực để những kết quả thu được có thể ứng dụng hiệu quả vào công tác quản lý và đào tạo tại Trường.
Chị Nguyễn Phi Vân, PGS.TS Lê Quang Minh, TS Hồ Đắc Túc lôi cuốn người tham dự bằng hiểu biết uyên thâm về các nền giáo dục, văn hóa trên thế giới

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng ĐH Thủ Dầu Một phát biểu khai mạc và định hướng trao đổi tại tọa đàm

Thành công của tọa đàm khởi đầu cho chuỗi các tọa đàm chuyên gia sẽ được trường Đại học Thủ Dầu Một đầu tư thực hiện trong thời gian tới 
BBT
(bài viết đã được biên soạn và đăng trên Báo Bình Dương số ra ngày 16/2/2017)
 

Tin cùng chuyên mục