Giao lưu khởi nghiệp cùng sinh viên Đại học Thủ Dầu Một

16/10/2018 10:00     1539
“Làm sao để khởi nghiệp thành công” là chủ đề của chương trình giao lưu diễn ra tại trường Đại học Thủ Dầu Một vào sáng ngày 9/8/2018 với hơn 400 sinh viên thuộc nhiều khối ngành của Trường tham gia. Chương trình được sự đồng hành của Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia – phía Nam, Báo Diễn đàn doanh nghiệp thuộc phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu, các bạn sinh viên đã được gặp gỡ, trò chuyện với các khách mời là những doanh nhân thành đạt trên nhiều các lĩnh vực như: ông Huỳnh Thanh Vạn – Phó Chủ tịch Tài chính Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia – phía Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty S Furniture; bà Lê Thị Thanh Lâm - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia – phía Nam, Phó Giám đốc Công ty Saigon Food; ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia – phía Nam, Giám đốc Công ty Thuế, kế toán Luật Việt Á; ông Nguyễn Văn Ngà – Thành viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia – phía Nam; Giám đốc Công ty Agrocom Việt Nam.

Với mục tiêu “truyền lửa” tinh thần khởi nghiệp, “trao tặng” kinh nghiệm từ bản thân và cộng sự, các chuyên gia - doanh nhân thành đạt đã chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, những ví dụ dễ hiểu, mang tính thực tiễn cao của bản thân, từ đó tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ muốn lập thân, lập nghiệp.
 
Khởi nghiệp thành công cần phải có mục tiêu, kiến thức và kỹ năng mềm

Là một thành viên trong Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiêp quốc gia – khu vực phía Nam và từng ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên, bà Lê Thị Thanh Lâm chia sẻ, không ít bạn trẻ còn khá lơ mơ về khởi nghiệp, cứ tưởng rằng có chút vốn liếng và ý tưởng là bắt đầu được, nên khi ra thị trường tỷ lệ thất bại của bạn sẽ rất cao. Muốn khởi nghiệp thành công, các bạn cần xây dựng cho mình một mục tiêu kinh doanh rõ ràng, đây là yếu tố tiên quyết giúp bạn tồn tại, thu hút đồng sự trợ giúp, huy động được vốn, thuyết phục được nhà đầu tư và dành được thiện chí khách hàng.

Từ kinh nghiệm trong quá trình lập nghiệp của bản thân, ông Nguyễn Văn Ngà cho rằng, khởi nghiệp là cả một quá trình chuẩn bị bài bản mà sinh viên cần trang bị. Để có thể bước ra “làm chủ” dự án kinh doanh, những kiến thức về quản trị, quản lý, điều hành là hành trang không thể thiếu. Khối kiến thức nền tảng này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về sản phẩm, thị trường, công nghệ, nhân lực, tài chính, chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, những kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng quản lý thời gian…) sẽ là chìa khóa giúp bạn khởi nghiệp thành công.
 
Khởi nghiệp từ những điều đơn giản, không ngừng học hỏi và đừng ngại thất bại

Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, nói đến khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ nghĩ ngay đến những dự án “khủng” hay ý tưởng độc nhất vô nhị. Nhưng khởi nghiệp có thể bắt đầu từ những dự án nhỏ xuất phát từ “sở thích”. Điều quan trọng, ý tưởng khởi nghiệp phải có tính thực thi cao, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, bắt tay vào khởi nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ ý tưởng đến hiện thực là một quá trình dài và thực tế cho thấy, nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo bị dang dở do sinh viên không lường trước được khó khăn. Chính vì vậy, khởi nghiệp là hành trình học hỏi không ngừng. Điều quan trọng nhất là bạn biết mình đang làm gì và luôn giữ được sự chủ động trong mọi hoàn cảnh. Thời sinh viên là giai đoạn lý tưởng nhất để khởi nghiệp nhưng không cần tự tạo áp lực “phải thành công” ngay từ khi bắt đầu, bởi áp lực cũng chính là gánh nặng.
 
Con đường đến thành công không trải bằng hoa hồng; thành công sẽ chỉ đến với những ai dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn, thách thức… Tất cả chúng ta đều biết đến các công ty khởi nghiệp thành công khi họ đạt được thành tựu, nhưng lại thường không biết họ đã thất bại bao nhiêu lần. Để thành công như Twitter, GroupOn, Pinterest, Airbnb… những người sáng lập đã trải qua rất nhiều thất bại và phải thử nghiệm rất nhiều lần mới có được thành tựu như hôm nay. Các kế hoạch đều dựa trên các giả thiết tuyệt đối, và một số các giả thuyết này dường như không chính xác trong thực tế và do đó phải được sửa đổi. “Điều này rất bình thường, cho nên, đừng ngại thất bại mà quan trọng là không bỏ cuộc” - ông Vạn chia sẻ.

Thông qua chương trình, các bạn sinh viên đã được gặp gỡ, trò chuyện với các khách mời là những doanh nhân thành đạt trên nhiều các lĩnh vực 

Các chuyên gia - doanh nhân thành đạt đã chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, những ví dụ dễ hiểu, mang tính thực tiễn cao của bản thân, từ đó tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ muốn lập thân, lập nghiệp
Chương trình thu hút sự quan tâm của hơn 400 sinh viên thuộc nhiều khối ngành của Trường tham gia
BBT
Tin cùng chuyên mục