Tham dự chương trình, về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương có ThS.BS Nguyễn Kiều Uyên – Giám đốc, BS.CKI. Vương Thế Linh – Trưởng phòng Phòng chống HIV/AIDS. Về phía trường ĐH Thủ Dầu Một có ThS. Nguyễn Thị Phương Trúc – Phó Chánh văn phòng phụ trách Y tế, đ/c Trương Diễm Linh – Chủ tịch Hội sinh viên và hơn 200 sinh viên tham dự. Tham gia báo cáo tại chương trình có chuyên gia về dự phòng lây nhiễm HIV thuộc Dự án EPIC Trung ương - TS.BS. Nguyễn Trọng Thắng.
Là chuyên gia trong lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV thuộc Dự án EPIC Trung ương, TS.BS Nguyễn Trọng Thắng chia sẻ, hiện nay, bệnh AIDS do vi rút HIV gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chữa khỏi hoàn toàn. Thuốc sử dụng trong điều trị cho người nhiễm HIV hiện nay là ARV (Antiretrovirus - loại thuốc có tác dụng gây ức chế, giảm sự phát triển của vi rút trong cơ thể người bệnh). Để hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Theo đó, với người nhiễm HIV, việc điều trị ARV là rất quan trọng nhằm ngăn chặn tối đa quá trình nhân lên của virus HIV trong cơ thể người nhiễm, giúp cơ thể phục hồi hệ thống miễn dịch, ít mắc các nhiễm trùng cơ hội. Bác sĩ Nguyễn Trọng Thắng cho biết thêm, điều trị ARV sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nhiễm HIV, và cộng đồng. Khi người nhiễm HIV tuân thủ điều trị, tải lượng virus giảm. Nếu tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) thì không lây truyền HIV cho người khác qua quan hệ tình dục đồng giới, khác giới. Người mẹ nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV, tải lượng virus đạt ngưỡng ức chế hay không phát hiện được cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho con trong quá trình mang thai và cho con bú.
Hiện vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh HIV/AIDS hoàn toàn. Vì vậy biết cách tự phòng cho mình và cho cộng đồng cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vaccine để phòng ngừa HIV/AIDS hiện nay. Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác truyền thông về HIV/AIDS đến với giới trẻ, BS.CKI. Vương Thế Linh đã có những trao đổi cởi mở về về một số nội dung cơ bản như: các con đường lây nhiễm HIV; lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV; lợi ích của xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; lợi ích của việc điều trị bằng thuốc ARV.
Phát biểu đúc kết chương trình, ThS.BS. Nguyễn Kiều Uyên – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, qua talkshow, những kiến thức được chia sẻ từ các bác sĩ, chuyên gia sẽ giúp sinh viên nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS, cũng như vai trò trách nhiệm của thanh niên, sinh viên trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, qua chương trình, các bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích về các biện pháp dự phòng khi gặp các tình huống có nguy cơ lây nhiễm HIV để kiến tạo cho bản thân lối sống tích cực, biết giữ gìn bảo vệ chính mình, bảo vệ cho gia đình và xã hội. Ðồng thời, mong muốn đoàn viên thanh niên, sinh viên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS trong khu vực trường học, trong cộng đồng xã hội.
Một số hình ảnh của chương trình:
Yến Nhi