Với chủ đề “Làm thế nào để khởi nghiệp thành công”, chương trình giao lưu kết nối doanh nhân thành đạt do Hội Sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp cùng Trung tâm Thị trường Lao động và Khởi nghiệp tổ chức đã diễn ra vào ngày 10/10/2019.
Tham gia chương trình có sự góp mặt của các khách mời, diễn giả là doanh nhân thành đạt, chuyên gia giàu kinh nghiệm của Hội đồng Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam: ThS. Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Mỹ Á; ThS. Lê Viết Dũng Linh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Sao Việt; ThS. Nguyễn Nam Hải – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Vàng bạc đá quý Nam Phương. Là những doanh nhân thành đạt – chuyên gia giàu kiến thức, kỹ năng và tinh thần khởi nghiệp, các diễn giả đã cởi mở chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp từ thực tiễn của bản thân và các cộng sự, “trao tặng” kiến thức kinh doanh trong bối cảnh của thời đại kỹ thuật số, toàn cầu hóa. Từ đó “tiếp lửa” tinh thần khởi nghiệp cho hơn 500 sinh viên Đại học Thủ Dầu Một tham gia chương trình.
Khởi nghiệp thành công phải có kiến thức, kỹ năng, đam mê, thương hiệu cá nhân
Với thành công lớn trong lĩnh vực kinh doanh vận tải logistic, kiến tạo nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, bà Võ Thị Phương Lan là một trong hai nữ doanh nhân Việt Nam được bình chọn là doanh nhân tiêu biểu châu Á. Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, bà Võ Thị Phương Lan tích cực đóng góp, ủng hộ các hoạt động khởi nghiệp dành cho thanh niên, sinh viên. Chia sẻ về con đường khởi nghiệp, diễn giả cho biết, phong trào khởi nghiệp – startup hiện nay đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, nhất là ở các nhóm sinh viên thuộc nhiều khối ngành đào tạo khác nhau. Với niềm đam mê, nỗ lực không ngừng nghỉ, các bạn sinh viên đã chủ động xây dựng và lên kế hoạch cho những ý tưởng khởi nghiệp của mình và các cộng sự với mong muốn được triển khai ngay từ khi còn ngồi trên nghế nhà trường. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là bức tranh khởi nghiệp chỉ là màu hồng, không phải ý tưởng nào cũng có thể khởi nghiệp thành công, mang lại hiệu quả mong muốn.
Để trả lời câu hỏi “Làm sao để khởi nghiệp thành công”, bà Phương Lan cho biết, khởi nghiệp không chỉ cần có đam mê mà là cả một quá trình chuẩn bị bài bản từ kiến thức, kỹ năng đến tôi luyện đức tính kiên trì. Dự án kinh doanh phải khả thi, nắm bắt được xu thế của kinh tế thị trường, xây dựng được “thương hiệu cá nhân”. Đây sẽ là yếu tố giúp đề án thu hút nhà đầu tư, huy động nguồn vốn, và sự trợ giúp của các đối tác. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp phải phát huy niềm đam mê công việc cao độ, kế hoạch hành động có mục tiêu rõ ràng, chiến lược phát triển thị trường kinh doanh (đặc thù ngành), sử dụng nguồn vốn hợp lý, quản trị tốt nguồn nhân lực, sản phẩm chiếm được thị hiếu khách hàng, xây dựng uy tín cá nhân, thương hiệu doanh nghiệp với đối tác…
Đồng quan điểm với chia sẻ của bà Võ Thị Phương Lan, ThS. Nguyễn Nam Hải chia sẻ, có nhiều dự án khởi nghiệp đã thành công nhưng cũng không ít những dự án khởi nghiệp thất bại, thậm chí “chết yểu” ngay từ khi còn là ý tưởng. Có ý tưởng khởi nghiệp, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, hầu hết người khởi nghiệp đều gặp hết lúng túng này đến lúng túng khác. Nguồn vốn bị thiếu hụt, bên cạnh đó, kỹ năng quản lý, kỹ năng tiếp cận thị trường lại là hạn chế đối với hầu hết người khởi nghiệp. Chính vì vậy, trước khi thực hiện khởi nghiệp, sinh viên cần được trang bị kiến thức kinh doanh, quản trị, điều hành quản lý, kỹ năng làm việc. Diễn giả Nguyễn Nam Hải nhắn nhủ, sinh viên không nhất thiết phải khởi nghiệp ngay trong quá trình học, mà các bạn có thể khởi nghiệp sau khi ra trường, đi làm tích lũy kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, bù đắp lỗ hổng còn thiếu để bắt đầu với những thứ lớn hơn, từng bước hoàn thiện chỉnh chu dự án kinh doanh trước khi kêu gọi cộng sự, nhà đầu tư.
Đừng sợ thất bại – Đừng từ bỏ
“Khi bắt tay vào khởi nghiệp đừng tạo áp lực phải thành công. Con đường đến thành công không trải bằng hoa hồng, thành công sẽ chỉ đến với những ai dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn, thách thức” - đó là những lời chia sẻ của doanh nhân Lê Viết Dũng Linh. Diễn giả cho rằng, trước khi khởi nghiệp thành công, người chủ dự án đặt trên vai rất nhiều gánh nặng, bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề phát sinh kéo chân bạn lại, như: tài chính, nhân lực, thị trường, khách hàng… Tuy nhiên, khi đã xác định dấn thân vào con đường khởi nghiệp, chắp cánh cho đam mê thành hiện thực thì bạn phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại, dũng cảm đứng lên, biến khó khăn thành động lực, tích lũy kinh nghiệm cho những dự án kinh doanh tiếp theo. Ông Dũng Linh dẫn chứng rằng, các công ty khởi nghiệp thành công thì trước đó, những người sáng lập đã trải qua rất nhiều thất bại và phải thử nghiệm rất nhiều lần mới có được thành tựu như hôm nay. Khởi nghiệp là một quá trình dài, gian khó, điều quan trọng là các bạn phải có sự khảo sát, chuẩn bị chu đáo nhiều mặt (kiến thức, kỹ năng, tài chính, đối tác, mối quan hệ, thị trường…); luôn giữ được nhiệt huyết (đam mê, siêng năng, kiên trì, thời gian, khả năng cạnh tranh…); tính chủ động trong mọi hoàn cảnh, kiểm soát được dự án (công nghệ, thị trường, tài chính, pháp lý, rủi ro…) rút ra bài học kinh nghiệm. Đối với dự án khởi nghiệp, các bạn đừng ngại thất bại, đừng từ bỏ, kiên trì sẽ đưa bạn tới thành công – ông Linh nhấn mạnh.
Chia sẻ câu chuyện của bản thân, bà Võ Thị Phương Lan cho biết: “Tôi khởi nghiệp với lĩnh vực logistic, là một ngành hoàn toàn mới, không đúng với chuyên ngành đã học. Ban đầu, tôi làm nhân viên cho một công ty nhỏ hoạt động kinh doanh vận tải logisic. Từ công việc này, tôi đã học hỏi, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, tìm hiểu thị trường, đặc thù ngành, xây dựng mối quan hệ với đối tác, xây dựng thương hiệu cá nhân... Quá trình này diễn ra một thời gian khá dài với 10 năm học hỏi, phát triển bản thân. Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh của tôi đang quản lý, vận hành đã gây dựng được chỗ đứng trên thị trường trong nước, quốc tế. Chính vì vậy, nếu các bạn giữ cho mình nhiệt huyết, niềm đam mê, đức tính kiên trì thì con đường khởi nghiệp của các bạn chắc chắn sẽ đi đến thành công.
Phát biểu tại chương trình, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng trân trọng cảm ơn các diễn giả, khách mời đã đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ nhiệt tình cho phong trào khởi nghiệp của sinh viên Đại học Thủ Dầu Một. Những chia sẻ của các diễn giả đã truyền cảm hứng và nâng cao tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, giúp các bạn trẻ phát huy sức sáng tạo, ý chí tự lập và bản lĩnh kinh doanh của mình; góp phần ươm mầm các nhà lãnh đạo, các doanh nhân tương lai. TS. Ngô Hồng Điệp hy vọng, qua diễn đàn giao lưu với các doanh nhân, sinh viên Nhà trường sẽ nắm bắt, chủ động học hỏi những kinh nghiệm dù thành công hay thất bại từ những người đi trước, tự tin thể hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Trong khuôn khổ chương trình, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Đại học Thủ Dầu Một đã phát động Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Hult Prize TDMU 2019 đến toàn thể sinh viên Trường. Dịp này, Nhà trường cũng đã khen thưởng cho sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp “TDMU Startup Asrations 2019”.
Chương trình có sự góp mặt của các khách mời, diễn giả là doanh nhân thành đạt, chuyên gia giàu kinh nghiệm của Hội đồng Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam
Chủ đề của chương trình giao lưu đã thu hút sự tham gia của hơn 500 sinh viên
Là những doanh nhân thành đạt – chuyên gia giàu kiến thức, kỹ năng và tinh thần khởi nghiệp, các diễn giả đã cởi mở chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, kiến thức kinh doanh cho sinh viên, "tiếp lửa" tinh thần khởi nghiệp cho SV
Dịp này, Nhà trường cũng đã khen thưởng cho sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp “TDMU Startup Asrations 2019”
Diễn giả là những chuyên gia giàu kin nghiệm của Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, luôn giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình cho phong trào khởi nghiệp của sinh viên Đại học Thủ Dầu Một
Những chia sẻ của các diễn giả đã truyền cảm hứng và nâng cao tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, giúp các bạn trẻ phát huy sức sáng tạo, ý chí tự lập và bản lĩnh kinh doanh
Ngườn tin: Phòng Truyền thông Trường Đại học Thủ Dầu Một