Nguyễn Thị Thu, người thanh niên chào đời với cơ thể không có đôi tay, vẫn ngày ngày nỗ lực và chinh phục ước mơ bằng nụ cười tươi tắn, sự quyết tâm và nghị lực phi thường của mình.
Với những ai là giảng viên, sinh viên của trường Đại học Thủ Dầu Một chắc hẳn ai cũng biết đến em Nguyễn Thị Thu, người thanh niên lạc quan và đầy nghị lực mà tuổi trẻ của chúng ta cần phải suy ngẫm.
Nguyễn Thị Thu trên đường đến trường
Nguyễn Thị Thu sinh năm 1998, tại ấp 7 xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Ngày Thu chào đời cũng chính là ngày mà những người thân của mình, đặc biệt là ba mẹ của Em đã suy sụp và đau đớn khôn cùng. Ngày ấy, trong thôn nhỏ cách thị trấn hơn 20 km mà người ta thường gọi là Xóm Bưng ít ai biết đến siêu âm là gì trong quá trình thai kỳ, Thu được ba mẹ yêu thương và chờ đợi từng ngày để chào đón Em ra đời. Nhưng đó cũng chính là ngày mà họ suy sụp đến ngất lịm.
Thu ra đời hoàn toàn không có hai cánh tay, lại nhẹ cân nhưng khuôn mặt vẫn tươi tắn và ánh lên một sức sống tiềm tàng mà ngày nay chúng ta gọi là nghị lực. Ngày ấy nhiều người nói em bị nhiễm chất độc da cam do ba của Em thường xuyên đi làm gỗ ở rừng, nhiều người còn cho rằng tuổi thọ của Em không thể kéo dài…những câu nói như sát muối vào lòng chính là rào cản và thách thức đầu tiên cho bài học nghị lực mà em và gia đình đã phải vượt qua.
Như bao đứa trẻ khác, Thu lớn lên từng ngày đúng theo biểu đồ phát triển của những trẻ em bình thường; Thu biết nói, biết trườn, biết ngồi, biết đi. Và tôi may mắn gặp em trong một hoàn cảnh không phải dành cho một đứa trẻ 3 tuổi: có lẽ do kinh tế gia đình khó khăn và không có người trông coi nên khi đi cưa gỗ cha của Thu mang em theo và đặt em ngồi trong cái chòi che tạm bằng lá cây, cái nắng tháng 3 làm mồ hôi em nhễ nhoãi, kiến vàng vây quanh, em dùng chân của mình kẹp vào cái nón lưỡi trai, rồi cong người đội lên đầu. Có chứng kiến, mới nể phục vô cùng, ngày ấy - tôi một cậu bé 10 tuổi làm gì biết đến hai từ nghị lực, nhưng tôi biết em đã làm điều mà nhiều người khác không làm được.
Cha của em, ông Nguyễn Văn Oai chia sẻ: “Thu là đứa bé rất ham học hỏi, năm lên 4 tuổi Thu đã đòi được đi học như bao người bạn cùng lứa tuổi trong xóm, nhiều lần thấy Thu đến trường đứng bên ngoài nhìn vào lớp học tôi không cầm được nước mắt nhưng vì sợ con bị bạn bè trêu chọc. Và cuối cùng gia đình tôi cũng quyết định cho Thu đến trường, Thu rất ngoan và chăm chỉ, ở trường cô giáo đặt cây viết vào giữa hai ngón chân cho Thu tập viết, buổi chiều về nhà Thu lấy viên đá đỏ kẹp vào hai ngón chân tập viết trên nền đất nén (nền nhà) màu đỏ của đá hòa lẫn vào màu máu của chân chảy ra khắp nền nhà, kêu dừng tập viết thì Thu khóc rất nhiều, Thu tập viết rất nhanh, trong thời gian ngắn Thu đã viết được chữ như bao bạn khác trong lớp”.
Viết bài, vận động và sinh hoạt hằng ngày tất cả đều phụ thuộc vào đôi chân của mình. Nhìn vào quyển vở thời tiểu học của em khó ai nhận ra những nét chữ được viết bằng chính đôi chân đầy nghị lực. Không tự ti với sự khiếm khuyết của cơ thể, Thu đã cố gắng, nỗ lực học tập và đạt nhiều thành tích rất đáng khâm phục.
Trong ảnh Thu mặc áo trắng ngắn tay ngồi giữa hàng đầu tiên
Ngày tháng trôi qua, không như những lời đồn đại của nhiều người, em lớn lên từng ngày, học mẩu giáo, tiểu học, trung học rồi vào đại học. Tôi vô tình gặp lại em trong trường Đại học Thủ Dầu Một, vẫn nét lạc quan và tinh thần đầy nghị lực trong cách nói chuyện của em – một lần nữa nhắc nhở tôi và thế hệ trẻ chúng ta về bài học nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay Thu là sinh viên năm 3 ngành Công tác xã hội – Trường Đại học Thủ Dầu Một, bên cạnh kết quả học tập, em còn được bạn bè, thầy cô biết đến là một thanh niên năng động, nhiệt huyết trong hoạt động Đoàn, Hội.
Khi được hỏi về những khó khăn của mình, Thu chia sẻ: “Cuộc sống của chúng ta không chỉ toàn hoa hồng mà có những lúc chúng ta cảm thấy thật sự khó khăn, chán nản và thất vọng. Đó là điều luôn tồn tại trong cuộc sống hoặc ở thời điểm này hoặc ở thời điểm khác. Mỗi lúc không may rơi vào trạng thái tiêu cực, em tự trấn an tinh thần của mình bằng cách nhìn lại sự nỗ lực của bản thân, gia đình và tự nhủ: Hãy sống như chưa bao giờ được sống”.
Chân dung về một thanh niên trẻ, lạc quan, quyết tâm và giàu nghị lực. Đó chính là những cụm từ của các bạn thanh niên xã Tân Long và sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một dành cho em Nguyễn Thị Thu.
Với tôi, một lần nữa xin được cảm ơn em đã cho tôi thêm động lực để phấn đấu trên hành trình dài của chúng ta, hành trình thanh niên Bình Dương ra sức thi đua học tập, lao động xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Chúc em thật nhiều sức khỏe và luôn lạc quan, yêu đời, nhiệt quyết và nghị lực.
Theo www.tuoitrebinhduong.vn
Nguyễn Thị Thu trên đường đến trường